Please wait, content is loading

[Tóm tắt] Thiết kế lấy người dùng làm trung tâm – Chương 5

Dưới đây là một số highlight của mình sau khi đã đọc xong cuốn sách (mình có note lại số trang ở cuối mỗi đoạn). Bạn nào đã từng đọc cuốn này rồi thì hy vọng sẽ giúp gợi nhớ lại những gì đã học, với những ai chưa đọc thì có thể tìm mua sách đã được dịch sang tiếng Việt và đang bán trên các ứng dụng thương mại điện tử nha

thiet-ke-lay-nguoi-dung-lam-trung-tam-chuong-5

Chương 5: Lỗi của người dùng, không phải thiết kế tồi?

5.1 Các nhà thiết kế cần tránh đưa ra những quy trình có những bước mở đầu giống nhau nhưng sau đó lại phân tách. Người công nhân càng có kinh nghiệm, họ càng có khả năng mắc phải sai phạm do quán tính. Bất cứ khi nào có thể, các chuỗi hành vi cần được thiết kế khác nhau ngay từ điểm bắt đầu. (271)

5.2 Các nhà thiết kế cần bảo đảm là bảng điều khiển và màn hình hiển thị cho những mục đích khác nhau cũng khác nhau một cách rõ rệt. Một hàng dài những công tắc hoặc màn hình hiển thị trông giống nhau rất có khả năng dẫn tới sai phạm do tính chất tương đồng. (272)

5.3 Có nhiều cách để chống lại những lỗi do nhầm lẫn. Một trong số đó là tối thiểu số bước phải làm; cách khác là đưa ra những lời nhắc nhở dễ nhận ra về những bước công việc cần phải hoàn thành. Một cách tuyệt vời khác là sử dụng chức năng bắt buộc như đã nói ở Chương 4. (274)

5.4 Lỗi do lựa chọn chế độ thực sự là lỗi do thiết kế. Các lỗi này rất dễ xảy ra nếu thiết bị không thể hiện chế độ một cách dễ nhìn thấy, nên người sử dụng cần phải ghi nhớ chế độ nào đã được thiết lập, đôi khi là từ nhiều giờ trước đó, trong khi trong suốt thời gian đó, có nhiều sự kiện chen ngang có thể xảy ra. Các nhà thiết kế phải tránh việc thiết kế nhiều chế độ, nhưng nếu điều đó là cần thiết, thì thiết bị cần phải thể hiện rõ là chế độ nào đang làm việc. Một lần nữa, các nhà thiết kế phải luôn tính đến phương án đề phòng cho những hành động can thiệp giữa chừng. (277-278)

5.5 Thách thức về thiết kế là thể hiện những thông tin về tình trạng của hệ thống (một thiết bị, phương tiện, nhà máy, hoặc các hành động đang được giám sát) theo một cách dễ dàng có thể hiểu và diễn giải được, cũng như cung cấp những giải thích và diễn giải thay thế. (285)

5.6 Giải pháp tốt nhất cho các tình huống dựa trên kiến thức là tự trang bị hiểu biết về tình huống đó, trong phần lớn các trường hợp điều này đồng nghĩa với việc xây dựng được một mô hình khái niệm thích hợp. (…) Một cách làm tốt hơn là phát triển các hệ thống máy tính thông minh, sử dụng quá trình tìm kiếm hiệu quả và những kỹ thuật phân tích nguyên nhân phù hợp (ra quyết định và giải quyết vấn đề bằng trí tuệ nhân tạo). (286-287)

5.7 Mục tiêu, kế hoạch và đánh giá hiện thời về hệ thống đặc biệt quan trọng và phải được hiển thị liên tục. Có quá nhiều thiết kế bỏ đi tất cả những dấu hiệu của những điều này một khi chúng đã được đưa ra hoặc thực hiện theo. Một lần nữa, các nhà thiết kế cần giả định là mọi người sẽ bị ngắt quãng trong quá trình hành động và họ sẽ cần sự hỗ trợ khi nối lại hoạt động của mình. (287-288)

5.8 Chỉ một mình thiết kế tốt là chưa đủ. Chúng ta cần những sự đào tạo khác nhau; chúng ta cần đề cao an toàn và đưa nó lên trên các áp lực về kinh tế. Sẽ có ích nếu thiết bị có thể thể hiện những nguy hiểm tiềm ẩn một cách dễ nhìn và rõ ràng, nhưng đó không phải lúc nào cũng là điều có thể. Xử lý các áp lực xã hội, kinh tế và văn hóa và theo đó cải thiện các chính sách của doanh nghiệp là phần khó nhất trong việc bảo đảm cho những hoạt động và hành động an toàn. (293)

5.9 Nói chung, việc áp đặt một cấu trúc theo thứ tự cứng nhắc khi thực hiện công việc đều xuất phát từ một thiết kế tồi, trừ khi bản thân công việc yêu cầu điều đó. Đây là một trong những ưu điểm lớn của danh sách kiểm tra điện tử – chúng có thể theo dõi những việc được tạm thời bỏ qua và có thể bảo đảm là danh sách sẽ không được đánh dấu đã hoàn thành cho đến khi tất cả các việc được thực hiện xong. (296)

5.10 Không nên để cho một lỗi đơn giản có thể gây ra những thiệt hại ở quy mô lớn. Dưới đây là những điều nên làm:
– Hiểu rõ các nguyên nhân gây ra lỗi và thiết kế để giảm thiểu các nguyên nhân đó.
– Thực hiện các cuộc kiểm tra tri giác. Hành động đó liệu có qua được bài kiểm tra về “ý nghĩa thông thường” không?
– Khiến cho việc đảo ngược hành động là có thể thực hiện được hoặc khiến cho những hành động không thể đảo ngược trở nên khó thực hiện hơn.
– Khiến cho con người dễ khám phá ra các lỗi xảy ra và dễ khắc phục những lỗi đó.
– Đừng coi hành động là một lỗi; thay vào đó, cố gắng giúp cá nhân thực hiện hành động đó hoàn thành nó một cách chính xác. Hãy nghĩ đến hành động như là điều gần đúng với những gì cần phải làm. (307)

5.11 Bài học rút ra từ sai lầm và sai phạm:
– Khiến cho đối tượng của hành động trở nên nổi bật hơn. Nghĩa là thay đổi biểu hiện bên ngoài của đối tượng sẽ bị tác động để nó trở nên dễ thấy hơn bằng cách phóng to nó, hoặc có thể thay đổi màu sắc cho nó.
– Làm cho quá trình có thể đảo ngược được. Nếu người dùng lưu lại nội dung, sẽ không có gì khó chịu được thực hiện ngoại trừ việc phải mở lại file. Nếu người dùng lựa chọn Không lưu lại, hệ thống có thể bí mật lưu lại nội dung và lần tới khi người dùng mở file ra, nó có thể hỏi liệu có cần khôi phục lại file đó ở tình trạng mới nhất hay không. (316)

5.12 Sự tỉ mỉ trong thiết kế và nhiều tầng bảo vệ – đó chính là pho mát Thụy Sĩ. Phép ẩn dụ này đã minh họa sự vô ích trong việc cố gắng tìm kiếm một nguyên nhân căn bản dẫn tới một tai nạn (thường là do một ai đó) và trừng phạt thủ phạm. Thay vào đó, chúng ta cần xem xét các hệ thống, những tác nhân tương tác có thể dẫn tới lỗi của con người và sau đó là tai nạn, và tìm ra nhiều cách để làm cho hệ thống trở nên đáng tin cậy hơn. (323)

5.13 Dưới đây là những nguyên tắc thiết kế:
– Hãy để những kiến thức cần thiết để vận hành các thiết bị công nghệ đến từ môi trường bên ngoài. Không đòi hỏi tất cả kiến thức cần phải được trang bị sẵn trong đầu. Thiết bị vận hành hiệu quả khi con người đã học hết tất cả các yêu cầu, khi đó, những chuyên gia có thể thực hiện mà không cần đến những kiến thức đến từ bên ngoài và những người không phải chuyên gia vẫn có thể sử dụng kiến thức đến từ bên ngoài để vận hành. Điều này cũng có thể giúp ích cho chính các chuyên gia, những người cần thực hiện một hoạt động ít gặp, ít khi được thực hiện hoặc mới quay trở lại vận hành các thiết bị công nghệ sau một thời gian dài vắng mặt.
– Sử dụng lợi thế của những giới hạn tự nhiên và nhân tạo, đó là thực tế, lô-gic, ngữ nghĩa và văn hóa. Tận dụng lợi thế của các chức năng bắt buộc và sơ đồ kết nối tự nhiên.
– Liên kết hai quá trình, Quá trình Thực hiện và Quá trình Đánh giá. Làm cho mọi thứ dễ thấy, cả cho việc thực hiện lẫn đánh giá. Về phía thực hiện, hãy cung cấp các thông tin gửi đi: làm cho các lựa chọn khác nhau luôn sẵn sàng. Về phía đánh giá, hãy cung cấp các thông tin phản hồi, làm cho kết quả của mỗi hành động trở nên dễ thấy. Làm cho việc xác định trạng thái của hệ thống luôn sẵn sàng, dễ dàng và chính xác và theo một dạng thức thống nhất với mục tiêu, kế hoạch và kỳ vọng của con người. (332)

Cảm ơn các bạn đã đọc tới cuối bài 🫶

Illustration by Zachary Monteiro

Dịch bởi Thuỳ Chi

Don’t Make Me Think Tiếng Việt

Mình gửi các bạn tham khảo thêm quyền “Don’t Make Me Think Tiếng Việt”, mời các bạn tải về và đọc nhé.


Tham gia cộng đồng tự học UI/UX: Facebook.com/groups/uiuxdesigner.vietnam

PREV
[Tóm tắt] Thiết kế lấy người dùng làm trung tâm – Chương 3,4
NEXT
[PDF] Don’t Make Me Think Tiếng Việt